CHO THUÊ XE NGHỆ AN
Xe du lịch 4 chỗ
Xe du lịch 7 chỗ
Xe du lịch 16 chỗ
Xe du lịch 24 chỗ
Xe du lịch 29 chỗ
Xe du lịch 35 chỗ
Xe du lịch 45 chỗ
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Du lịch - 0972.408.819

Đội xe - 0976.462.949 - 083.8880.789

Văn phòng - 097.646.2949 - [email protected]
Hôm nay: 1084  | Tất cả: 1,546,843
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Cho thuê xe taxi tải tự lái tại Vinh Nghệ An
Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe số 1 Nghệ An
Chuyển nhà, văn phòng trọn gói tại TP Vinh Nghệ An
Cho thuê xe tại Nghệ An
Liên kết phát triển du lịch Nam Đàn - Vinh - Cửa Lò
Honda City 2014 chính thức có mặt tại Đông Nam Á
LIÊN KẾT QUẢNG CÁO
 
CẨM NANG DU LỊCH > CÁC ĐIỂM DU LỊCH TẠI NGHỆ AN  Bản in - Lượt xem: 1067
Về với Đền Cờn và lễ hội Đền Cờn
Tin đăng ngày: 29/3/2014 - Xem: 1067
 

Đền Cờn ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cách Thủ đô Hà Nội 220 km về phía Nam, cách thành phố Vinh 75 km về phía Bắc theo Quốc lộ 1A. Di tích đền Cờn gồm đền Cờn trong và đền Cờn ngoài.

Đền Cờn trong nằm trên gò Diệc cao 3,6m so với mặt bằng tự nhiên, ba phía là nhà cửa dân cư trù phú rợp bóng dừa xanh bao bọc; trước mặt là biển cả mênh mông đêm ngày sóng vỗ. Đền Cờn trong được xây dựng vào cuối thời Trần, phát triển quy mô lớn ở thời Lê, được trùng tu ở thời Nguyễn dưới Triều Gia Long (1807-1808). Di tích trước Cách mạng Tháng 8 có 4 tòa chính: Nghi môn, Ca vũ, Trung điện và Thượng điện bố cục theo trục dọc kiểu trùng thiềm điệp ốc. Ngoài ra Tả hữu và phía dưới có 5 tòa để đồ tế khí và đón tiếp khách. Theo thần phả, Sắc phong và các tài liệu lịch sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Việt điện U linh..., đền Cờn trong thờ Tứ vị Thánh nương - Quốc gia Nam Hải Đại càn Thánh nương. Các Thánh nương là 3 mẹ con Công chúa nước Nam Tống là Từ Thi Thái hậu Dương Nguyệt Quả, 2 Công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279), quân Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu trung thần nhà Nam Tống đem Vua Đế Bính, gia quyến cùng binh sỹ hơn 800 người lên thuyền ra biển chạy trốn, quân Nguyên truy sát gấp rút lại gặp sóng to gió lớn, Vua tôi Nam Tống chết chìm ở biển Đông. Thi thể 3 mẹ con Công chúa trôi dạt vào cửa Tráp (cửa Càn). Dân làng Càn thấy thi thể những phụ nữ chết đuối nhưng mặt mũi hồng tươi, xiêm y quý tộc đặc biệt tỏa ra một mùi thơm như lan như quế lấy làm kỳ lạ. Dân làng chôn cất và lập miếu thờ, thường khi vào lộng ra khơi đến cầu khẩn đều thấy linh nghiệm. Nhân đó đặt tên cho xã mình là Hương Cần (hay còn gọi là Phương Cần) nay là xã Quỳnh Phương.

den-con-xu-nghe
Lễ rước Linh Xa lễ hội Đền Cờn (Quỳnh Lưu)


Đền Cờn ngoài cách đền Cờn trong khoảng 1km, tọa lạc trên dãy núi Hùng Vương gồm 3 tòa bố cục theo kiểu chữ Tam. Đền thờ: vị sư, Đế Bính, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu. Các vị thần này trước phối thờ ở đền Cờn trong, song do quan niệm nho giáo nam nữ bất đồng cung nên đến thời Lê được xây dựng đền thờ riêng. Ngôi đền - một công trình kiến trúc duy nhất trên núi sát cửa biển tăng thêm vẻ đẹp của thiên nhiên. Đền Cờn có vị trí: cận biển, kề sông, liền đường, sát núi, nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, nổi tiếng bởi các vị thần được thờ, càng nổi tiếng hơn khi gắn với những sự kiện lịch sử. Hay nói đúng hơn những sự kiện lịch sử diễn ra ở di tích càng làm cho ngôi đền nổi tiếng linh nghiệm.

Theo Đại Việt sử ký Toàn thư và Đại Nam Nhất Thống Chí: “Năm Hưng Long thứ 19 (1311), Vua Trần Anh Trông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Thuyền ba quân đến cửa Càn Hải tức cửa Cờn, xã Phương Cần, huyện Quỳnh Lưu, dừng lại nghỉ ngơi. Đêm Nhà Vua mộng thấy nữ thần khóc và nói: Thiếp là Cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp sóng gió chết đuối trôi dạt đến nơi này. Thượng đế phong cho làm Thần biển ở đây đã lâu, nay bệ hạ đem quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công. Sáng sớm hôm sau nhớ lại, Trần Anh Tông cho vời các bô lão trong vùng đến hỏi mới rõ sự tích. Trần Anh Tông vào đền kính tế. Ra đi biển trời lặng gió. Vua kéo quân đến thẳng thành Chà Bàn thắng trận lớn. Năm sau trở về cho dựng đền ngói, bốn mùa cúng tế, phong là Quốc gia Nam Hải đại càn Thánh nương.

Năm Hồng Đức thứ nhất 1470, Vua Lê Thánh Tông đích thân mang quân đánh dẹp phương Nam, cũng dừng lại cảng Xước nghỉ ngơi chỉnh đốn binh lực và vào đền tế lễ. Sau khi thắng trận, vua tôi kéo quân định tiến thẳng Thăng Long nhưng thuyền của Vua vừa ra đến cửa biển thì gió đông bắc nổi lên, đoàn thuyền phải vào cửa Cờn dưới chân đền trú gió. Lê Thánh Tông lấy làm lạ bèn ban thêm phẩm vật, cho tạc tượng dựng thêm mấy tòa đền và làm thơ ngự chế.

Đền Cờn có quy mô kiến trúc khá đồ sộ, thời gian và bom đạn 2 cuộc kháng chiến đã hủy hoại nhiều công trình. Hiện tại chỉ còn nhà ca vũ và 3 gian 2 hồi dài 17,4m, rộng 9,6 m, vì kèo giá chiêng chồng dường, rui lát bản, toàn bộ các chi tiết gỗ được sơn. Hầu hết các chi tiết gỗ của bộ khung nhà đều được chạm lộng hoặc bong kênh các đồ án trang trí: tứ linh, tứ quý... Đường nét chạm khắc đá tinh tế, lúc mềm mại uyển chuyển, lúc rắn rỏi khỏe mạnh. Các con vật lúc ẩn, lúc hiện, lúc thể hiện duyên dáng, khi cách điệu giữ dằn. Có thể nói, bộ khung nhà là một sưu tập tác phẩm điêu khắc gỗ thời Lê còn lại trên đất huyện Quỳnh Lưu. Đặc biệt trong đền còn lưu giữ 142 hiện vật quý hiếm. Ngoài các loại bằng sắc, câu đối, đại tự, các đồ tế khí: kiệu, tàn lọng, đồ ngà, đồng... còn có bia đá 2 mặt cao 1,6 m, rộng 1,2m dựng năm 1665. Chuông đồng đúc năm Cảnh Hưng (1752) nặng 300 kg. Bia và chuông còn là hiện vật chứng tích chiến tranh của đế quốc Mỹ. Đền Cờn có 28 pho tượng đá thời Lê, một sưu tập tượng đá phong phú về loại hình về tượng người, con giống có kích thước khá lớn.

Đền Cờn - một danh thắng, một công trình kiến trúc độc đáo, một địa chỉ văn hóa tâm linh xứ Nghệ xưa nay. Từ thời Trần đến thời Nguyễn đều tổ chức lễ hội, lễ hội đã vượt biên giới xã Phương Cần trở thành lễ hội của vùng, của tỉnh. Lễ hội đền Cờn trước đây được tổ chức từ 15 tháng Chạp đến hết tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội văn hóa truyền thống ở xứ Nghệ có thời gian dài nhất được các triều đại phong kiến quy định chặt chẽ và đứng ra tổ chức. Ngoài phần lễ, phần hội mang tính đặc thù của cư dân vùng biển cũng như múa hát chầu cửa Thánh hoặc ngâm vịnh thơ ca đều mang đậm tính nhân văn như: Lễ cầu phúc, cầu yên từ 15 tháng Chạp, lễ tế trầu ngày 4 tháng Giêng, lễ tế Trâu mồng 6, tế bánh mồng 7 tháng Giêng, từ 17 đến 20 lễ rước thuyền ngư, kéo co, đánh cờ người, chọi gà, chơi đu, hát tuồng, hát ca trù. Đặc biệt là hội bơi thuyền từ 21 đến 24 tháng Chạp “21 bơi trai, 22 bơi cọc, 23 bơi giải vàng, 24 bơi giếng giá” và hội rước gỗ thần hay tục chạy ói. Tục chạy ói là nét đặc trưng độc đáo của Lễ hội đền Cờn. Lễ rước gỗ thần diễn ra trong đêm và cả ngày 21 nhưng dân làng đã chuẩn bị từ ngày 16 đến 20 tháng Giêng. Vì đây là hội rước cả đường thủy và đường bộ, lực lượng tham gia là cả 4 giáp gồm cả nam và nữ; không gian kéo dài từ Quỳnh Phương qua các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng và điểm đến là đền Quy Lĩnh - Quỳnh Lương, quãng đường rước gần 10 km đã cuốn hút nhân dân
cả vùng.

Từ cảnh quan đến kiến trúc, từ nhân vật được thờ đến sự kiện lịch sử và đặc biệt là lễ hội và văn hóa tâm linh. Tất cả những điều đó để người xưa xếp đền Cờn đứng đầu đất Hồng Lam “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Mã, tứ Trưng”.

     
 
Trung tâm Cho thuê xe Nghệ An
Số nhà 12/86 - Đường Đốc Thiết - TP Vinh - Nghệ An
Điện thoại: Mr. Danh: 097.646.2949 - Ms Trà: 0915.418.819
Email: [email protected] - Website: http://thuexevinh.com