Nếu ai đã từng nghe, từng biết về chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy với kết cục bi thương thì hẳn sẽ nhớ đến ngọn núi Mộ Dạ và vùng biển Cửa Hiền ở Diễn Châu, Nghệ An - nơi đánh dấu sự chấm dứt cuộc đời vua An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc, cũng là nơi kết thúc cuộc đời nàng Mỵ Châu và mối tình cảm động Mỵ Châu- Trọng Thủy.
Đền Cuông (hay còn gọi là đền Công) nằm ở lưng chừng núi Mộ Dạ, sát quốc lộ 1A (thuộc địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) là một ngôi đền linh thiêng nổi tiếng của Xứ Nghệ được lập nên để thờ vua An Dương Vương.
Về nguồn gốc của đền cuông, các tài liệu ghi chép lại rằng sau khi vua Án Dương Vương tuẫn tiết tại Cửa Hiền, phía Bắc chân núi Mộ Dạ, để tưởng nhớ công ơn của Ngài, nhân dân vùng Diễn Châu đã lập miếu thờ ngài ở Cửa Hiền. Ở đó còn có ngôi mộ của công chúa Mỵ Châu. Theo truyền thuyết, tuy đã có miếu thờ, nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, có những đốm lửa lập lòe trên sườn núi Mộ Dạ. Nhiều người nghĩ rằng đó chính là linh hồn của vua Thục muốn yên ngự trên sườn núi nên nhân dân đã lập đền thờ và rước linh hồn Ngài về đó để thờ phụng. Đền thờ Thục An Dương Vương trên núi Mộ Dạ có từ đó. Sở dĩ đền có tên là đền Cuông là vì xưa kia, núi Mộ Dạ là nơi sinh sống của rất nhiều chim công. Người dân nơi đây thường gọi chim công theo tiếng địa phương là chim cuông. Do đó, ngôi đền nguy nga nằm trên ngọn núi này cũng được gọi luôn là đền Cuông (đền Công).
Trên đỉnh núi Mộ Dạ, người dân còn lập một am thờ Công chúa Mỵ Châu và mọi người vẫn gọi là am Mỵ Châu. Ngày nay, Đền Cuông vừa là một thắng cảnh, vừa là địa điểm tâm linh tín ngưỡng linh thiêng của người dân nơi đây.
Đến với đền Cuông, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một công trình kiến trúc cổ kính, quy mô, hòa mình giữa cảnh sắc thiên nhiên hữu tình. Đền nằm ở lưng chừng núi, giữa bạt ngàn thông xanh, sau lưng có biển xanh rì rào sóng vỗ.
Về quy mô kiến trúc, đền Cuông được thiết kế theo kiểu chữ “Tam”. Tam quan đền khá đồ sộ, từ xa du khách đã có thể nhìn thấy vẻ uy nghi của nó. Tòa trung điện xây theo kiểu chồng diêm 8 mái, còn các tòa khác trong đền đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút. Tòa nào cũng đồ sộ, cột to, thành dày với hoa văn, tứ linh chạm trổ rất tinh xảo. Trên các cột, có nhiều câu đối, thơ đề bằng chữ Hán của các quan lại, danh nho thời trước. Sau khi trùng tu, đền Cuông càng hoành tráng, đồ sộ về quy mô kiến trúc.
Hàng năm, vào ngày 15/2 âm lịch, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội Đền Cuông với nhiều hoạt động văn hóa phong phú và đa dạng. Lễ hội đền Cuông cũng là một trong những lễ hội nổi tiếng ở nước ta hàng năm thu hút người dân khắp nơi về tham gia. Về với Lễ hội đền Cuông, du khách không những được thưởng thức các phần lễ trang nghiêm, thành kính trước anh linh của Thục An Dương Vương và các vị thần linh mà còn được hòa vào không khí tưng bừng lễ hội với những trò chơi dân gian, những hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đậm đà bản sắc dân tộc như: chọi gà, đu quay, kéo co, trò chơi u... hay thả hồn theo các điệu hát Ca trù, Ví, Giặm...
Không chỉ đẹp về quy mô kiến trúc, cảnh quan, đặc sắc mùa lễ hội, đền Cuông còn được nhiều người nhắc đến với những câu chuyện kỳ bí xung quanh sự tích về vua An Dương Vương và những sự việc do nhân dân trong vùng trực tiếp chứng kiến. Đó là việc chim hạc bay về đền đúng ngày khai mạc Lễ hội đền Cuông năm 1995, rồi cá voi chết dạt vào bờ biển cửa Hiền dịp lễ hội đền Cuông năm 1996. Mọi người đinh ninh rằng, hạc về là hiện thân cho công chúa Mỵ Châu, và cá voi chết dạt vào bờ biển là minh chứng cho cái chết đầy bi thảm của An Dương Vương. Những sự kiện ấy càng làm cho lễ hội đền Cuông thêm linh thiêng hơn.
Về với đền Cuông và lễ hội đền Cuông cũng là dịp để du khách thăm thú các điểm du lịch nghệ an tiêu biểu của vùng đất Diễn Châu như biển Cửa Hiền, Hồ Xuân Dương, Khu du dịch biển Diễn Thành, chùa Cổ Am, hồ Linh Sơn, lèn Hai Vai...
Mùa xuân đầu năm, hãy hành hương về đền Cuông để cảm nhận được sự linh thiêng của tâm linh, sự hài hòa của cảnh sắc thiên nhiên và để thấy lòng mình hòa hợp hơn với tự nhiên và con người. |