Hội An là khu đô thị cổ nằm bên tả ngạn sông Thu Bồn. Cách thành phố Đà Nẵng 23 Km về phía Đông Nam, trước còn có tên Hải Phổ, Hoài Phố, Phai Phố, còn lúc nào truyền đạo, cha Chiristophe Boris gọi Faifoo trong cuốn ký sự của ông. Tên Faifoo được dùng suốt trong thời pháp thuộc. Từ năm 1945, mới dùng lại tên Hội An.
Phố cổ Hội An - ngày nay
Từ xa xưa, Hội An đã là địa bàn cư dân của người Việt cổ và người Chăm cổ, đến cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII đã là nơi đô hội, trên bến dưới thuyền, buôn bán tấp nập. Nhiều thương nhân nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lanvv… đã đến đây lập thương điếm, kinh doanh xuất nhập khẩu, làm ăn sinh sống. Chính vì vậy phong cách Hội An là sự kết hợp những yếu tố, những phong cách bản địa với những phong cách có nguồn gốc từ nước người, trong đó nổi bật hơn cả là của Trung Quốc và Nhật Bản.
Do chính sách “bế quan tỏa cảng” của nhà nước phong kiến Việt Nam, đến cuối thế kỷ XVII, Hội An dần dần trở nên vắng vẻ, tiêu điều. Cả một thời kỳ đông vui sầm uất, nay chỉ còn vang bóng trong khu di tích đô thị cổ xưa, được bảo tồn khá nguyên vẹn, nằm sát ven sông phía Nam thị xã Hội An ngày nay.
Khu đô thị cổ Hội An rộng khoảng 2km2, gồm nhiều phố cổ hẹp, ngắn, chia cắt nhau như bàn cờ. Giá trị đặc biệt của quần thể di tích này là sự hiện diện của hàng trăm ngôi nhà cổ, một tầng hoặc hai tầng, mái lợp ngói cổ, tường hồi sát mái, cao thấp lô nhô đứng từ vào nhau hai bên đường phố. Nhà ở đây làm bằng gỗ quý, có chạm trổ hoa lá, chim thú v.v..Tromg nhà trang trí hoành phi câu đối, cuốn thư. Hàng hiên thường lắp “vỉ vỏ cua”, mặt trước nhà là cửa hiệu. Lòng nhà khá sâu, nhiều nhà ăn sâu ra tận phố sau, phố bên sông, nơi thuyền bè cập bên bốc dỡ hàng hóa. Nhà tuy sâu hình ống nhưng vẫn sáng sủa, mát mẻ, thoáng, nhờ có “giếng trời” ở giữa lòng nhà. Mùa nước lên, nhiều đường phố bị ngập, phải dùng thuyền con đi lại.
Xưa kia các thương nhân người Nhật Bản, người Trung Quốc đến đây buôn bán lập nghiệp khá đông, còn để lại một số chùa miếu, cầu quán.
MIẾU QUAN CÔNG
Do người Trung Quốc xây dựng từ thế kỷ XVII gồm 4 ngôi nhà cao to vây quanh một khoảnh sân, dùng gỗ to làm cột và bộ khung đỡ mái, chạm trổ tinh xảo,treo nhiều hoành phi câu đối ghi lại văn thơ của nhiều danh sĩ người Việt. Miếu có tượng quan Công, sơn son thiếp vàng, hai bên là tượng Châu Xương, Quan Bình đứng hầu.
CHÙA QUAN ÂM
Cùng ở trong khuôn viên với miếu Quan Công, cách một sân nhỏ; có 4 cột trụ làm cổng, liên với tường hoa vây quanh, hình thành cửa tam quan. Chùa có bộ cánh cửa bằng gỗ quý chạm rồng uốn khúc “bát bửu”.
CẦU CHÙA
Do người Nhật xây bắc qua một con lạch nhỏ ăn thông ra với sông Thu Bồn. Cầu dài 18m, rộng 3m, làn theo kiểu “thượng gia, hạ kiều” trên có mái, lợp ngói cổ. Mái cầu kéo dài che kín 7 gian lòng cầu, được nâng bởi hai hàng cột thanh mảnh, dưới ghép lan can. Nền cầu ngày xưa cao vồng lên, lát ván làm lối đi lại. Hai bên cầu tôn cao, làm kệ bày hàng để bán. Giữa lòng càu về mặt Bắc có một ngôi chùa nhỏ. Bộ cánh cửa “ thượng song, hạ bản” phía trên có gắn hai mắt cửa chạm trổ, tinh vi ngăn cách cầu với chùa. Trong chùa thờ tượng Bắc Đế cưỡi cầu long. Tương truyền cầu làm trong ba năm liền mới xong, từ năm Thân (khỉ) đến năm Tuất (chó), cho nên hai đầu cầu có gắn đôi tượng khỉ (Thân) và đôi tượng chó (Tuất) bằng gỗ. Trong chùa có bức hoành phi đề ba chữ lớn “ Lai Viễn Kiều” ghi lại tên cầu do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt vào năm 1719 khi ông đến thăm Hội An.
Ở Hội An có chùa Bà Mụ (chùa Bà Lôi) của người Chăm, theo kiến trúc dân tộc Chăm, thờ một con sư tử cái đắc đạo. Đến Hội An, ngoài việc tham quan phố cổ du khách có thể vào thăm chợ, mua các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các loại sơn hào hải vị, thăm vườn cau, vườn quả, vười trầu xanh tốt bốn mùa đầy thơ mộng, trù phú ở Bãi Giữa, cách chợ có vài trăm mét qua một nhịp cầu; du khách có thể đến thăm cửa Đại và tắm biển. Phổ cổ Hội An được UNESCO ghi nhận vào danh sách di sản thế giới năm 1999.
|